Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Đề án được chuẩn bị trên cơ sở bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về chính sách, pháp luật đất đai, chiến lược biển, khoáng sản và bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, Bộ TN&MT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành nhiều hội thảo, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương cũng như các chuyên gia, các đại sứ quán, đại biểu trong và ngoài nước. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, dự thảo Đề án, Báo cáo tóm tắt, Tờ trình Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được hoàn thiện.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết các vấn đề cần thảo luận kỹ càng hơn. Đó là định ra chỉ tiêu khả thi về giảm khí thải, sử dụng năng lượng sạch, xử lý ô nhiễm...; lộ trình giảm phát thải phù hợp với điều kiện và trách nhiệm của Việt Nam; có nên sớm ban hành các quy chuẩn môi trường tương đương trong khu vực ASEAN; kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa; có cơ chế tài chính rõ ràng cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ TN&MT…
|
Thảo luận tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần làm rõ sự tương tác giữa 3 vấn đề: ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên, để sau này, thuận tiện khi xây dựng Chương trình hành động cũng như lồng ghép vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội. Ông Huệ đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo sinh kế cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo ông, người dân dần tự biết cách thích nghi với thay đổi của tự nhiên song vai trò của Nhà nước là định hướng cũng như hỗ trợ họ để sinh kế được đảm bảo và tăng cường… Về cơ chế tài chính, ông Huệ đề nghị làm rõ các chính sách như thuế, phí để thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ TN&MT đồng thời đồng tình với chủ trương nguồn vốn ODA được huy động phải sử dụng đúng mục tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong một thời gian ngắn, Bộ TN&MT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đã có cố gắng lớn, huy động lực lượng trí tuệ để hoàn thành các sản phẩm với hệ thống số liệu đầy đủ. Sau khi khảo sát một số địa phương, ông Cường đề nghị, phần đánh giá thực trạng biến đổi khí hậu, tác động của nó (thách thức và lợi thế) cần làm rõ hơn. Cũng cần đánh giá chất lượng môi trường từ hoạt động nông nghiệp - một ngành kinh tế chủ lực của đất nước, từ đó có những đột phá về giải pháp chính sách và công nghệ để cải thiện môi trường nông nghiệp - nông thôn.
“Cần xác định việc tập trung nguồn lực để xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ TN&MT mang tính đột phá cũng như xác định các mô hình điểm có hiệu quả để nhân rộng”, ông Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đánh giá cao các ý kiến đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương và sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để sớm hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là các văn bản quan trọng làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách bền vững đất nước.